Điều kiện giám sát công trình xây dựng

Điều kiện thực hiện giám sát công trình xây dựng. Quy định về điều kiện thực hiện giám sát công trình theo quy định hiện hành: Bằng cấp chuyên môn, năng lực kinh nghiệm…

Xây dựng nhà ở hiện nay tuy không còn nhiều khó khăn như trước nhưng vẫn còn một số vấn đề luôn là nỗi lo âu của chủ đầu tư như thủ tục xin phép xây nhà rườm rà, thiết kế nhà phải thật độc đáo và phù hợp phong thủy, hay cách tiến hành xây dựng nhà ra sao… Để đảm bảo chất lượng tốt cho một công trình xây dựng, ngoài việc lựa chọn được một đơn vị thiết kế kiến trúc giỏi, một đơn vị thi công tốt thì bên cạnh đó không thể không nhắc đến vai trò và tầm quan trọng của một giám sát thi công xây dựng.

Giám sát công trình là vị trí công việc chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm soát khối lượng – chất lượng công trình thi công theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, đảm bảo tiến độ xây dựng và vấn đề an toàn lao động. Người đảm nhận công việc giám sát công trình phải là Kỹ sư có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.

1. Kỹ năng giám sát công trình xây dựng

Giám sát thi công xây dựng gồm các phần như sau:

– Nghiệm thu xác nhận khi công trình đã thi công, đảm bảo đúng thiết kế, tiêu chuẩn xây dựng và đảm bảo chất lượng.

– Kiểm tra và yêu cầu nhà thầu thi công thực hiện đúng hợp đồng đã ký

– Từ chối nghiệm thu khi công trình không đạt chất lượng

– Đề xuất và phát hiện những bất hợp lý về thiết kế để sửa đổi.

Giám sát công trình xây dựng có năm nhiệm vụ chính:

+ Giám sát chất lượng: Giám sát về mặt kỹ thuật, mỹ thuật của nhà thầu thi công có đúng với bản vẽ thiết kế và được thể hiện trong hợp đồng hay không? Từ chủng loại vật tư, nguyên vật liệu, mẫu mã,… mà nhà thầu đã cam kết có đúng so với những điều khoản đươc ghi trong hợp đồng? Nếu có sự sai sót thì bên giám sát thi công sẽ can thiệp và điều chỉnh lại những yêu cầu với bên thầu thi công, nhưng nếu nhà thầu thi công tiếp tục vi phạm mà không khắc phục những sai sót thì lúc này bên Giám sát thi công xây dựng sẽ thông báo với chủ đầu tư để kịp thời can thiệp, chấn chỉnh nhà thầu để không sảy ra những thiệt hại nghiêm trọng.

+ Giám sát về tiến độ: Thời gian hoàn thành công trình đúng với thời gian thể hiện trong hợp đồng cũng là điểm quan trọng cần chú ý. Vì thường các chủ thầu thường lấy nhiều lý do để viện cớ cho sự chậm trễ của mình, hoặc đơn giản là họ muốn kéo dài thời gian để thương lượng đòi tăng thêm giá trị hợp đồng từ phía chủ đầu tư.

+ Tư vấn về kinh tế: Ngoài việc Giám sát kỹ thuật, bên giám sát còn tư vấn cho chủ đầu tư về giá dự thầu và tổng dự toán cho công trình. Để từ đó nhà đầu tư có thể biết trước về giá và chủng loại vật tư cho cả công trình mà mình muốn xây dựng. Tránh trường hợp các nhà thầu tăng hoặc giảm giá thầu để rút ruột công trình.

+ Giám sát an toàn lao động: Thi công công trình là công việc mà toàn bộ công nhân và cán bộ kỹ thuật đều trực tiếp làm việc, tiếp xúc với gạch đá, xi măng, bê tông, cốt thép,…Điều đó có nghĩa là mọi nguy hiểm đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nơi nào…Không chỉ ở khu vực bên trong mà còn cả khu vực bên ngoài xung quanh công trình bao gồm cả con người,tài sản,cơ sở vật chất… Vì vậy, để công trình hạn chế những sai sót không đáng có thì đội ngũ Giám sát sẽ kiểm tra những vật dụng và thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân viên và cho cả công trình, theo dõi từng hạng mục thi công để không có trường hợp đáng tiếc xảy ra.

+ Giám sát môi trường: Không một chủ đầu tư nào mong muốn mọi người xung quanh luôn than phiền vệ sinh công trình của mình không tốt và nếu vệ sinh kém ảnh hưởng nhiều đến mọi người xung quanh thì chủ thầu công trình có nguy cơ bị kiện và phạt, còn nếu tồi tệ hơn là bị tạm dừng thi công công trình vĩnh viễn.

Việc giám sát công trình xây dựng được quy định cụ thể hóa trong Luật xây dựng 2014 tại Điều 20 thì công trình xây dựng phải được giám sát về chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công.

2. Điều kiện để được thực hiện giám sát công trình xây dựng

Việc giám sát thi công xây dựng công trình phải bảo đảm các yêu cầu sau:

– Thực hiện trong suốt quá trình thi công từ khi khởi công xây dựng, trong thời gian thực hiện cho đến khi hoàn thành và nghiệm thu công việc, công trình xây dựng;

– Giám sát thi công công trình đúng thiết kế xây dựng được phê duyệt, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật và hợp đồng xây dựng;

– Trung thực, khách quan, không vụ lợi.

Nhà thầu giám sát thi công xây dựng được lựa chọn phải có đề xuất về giải pháp giám sát và quy trình kiểm soát chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, quy trình kiểm tra và nghiệm thu, biện pháp quản lý hồ sơ tài liệu trong quá trình giám sát và nội dung cần thiết khác.

Chủ thể giám sát thi công công trình xây dựng bao gồm:

– Chủ đầu tư: Tự thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình khi có đủ điều kiện năng lực giám sát thi công xây dựng và tự chịu trách nhiệm về việc giám sát của mình;

– Nhà thầu giám sát thi công công trình xây dựng: thực hiện việc giám sát theo hợp đồng;

– Tổ chức tư vấn  giám sát có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại, cấp công trình xây dựng để ký kết hợp đồng giám sát thi công xây dựng công trình trong trường hợp không tự thực hiện giám sát thi công xây dựng;

– Trường hợp áp dụng loại hợp đồng tổng thầu thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (tổng thầu EPC) hoặc hợp đồng chìa khóa trao tay, trách nhiệm thực hiện giám sát thi công xây dựng được quy định như sau:

Tổng thầu có trách nhiệm thực hiện giám sát thi công xây dựng đối với phần việc do mình thực hiện và phần việc do nhà thầu phụ thực hiện. Tổng thầu được tự thực hiện hoặc thuê nhà thầu tư vấn đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện giám sát một, một số hoặc toàn bộ các nội dung và phải được quy định trong hợp đồng xây dựng giữa tổng thầu với chủ đầu tư.

Mặt khác theo khoản 3 Điều 26 Nghị định 46/2015/NĐ-CP đối với các công trình có vốn đầu tư của Nhà nước thì:

– Tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình phải độc lập với các nhà thầu thi công xây dựng và các nhà thầu chế tạo, sản xuất, cung ứng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình;

– Tổ chức giám sát thi công xây dựng không được tham gia kiểm định chất lượng công trình xây dựng do mình giám sát;

– Nhà thầu chế tạo, sản xuất, cung ứng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình không được tham gia kiểm định chất lượng sản phẩm có liên quan đến vật tư, thiết bị do mình cung cấp.

Trong trường hợp công ty bạn là nhà đầu tư muốn tự mình giám sát công trình xây dựng cầu cảng thì phải thỏa mãn công trình này không có vốn đầu tư từ nhà nước và đảm bảo điều kiện năng lực giám sát của nhà đầu tư.

 

Luật sư tư vấn pháp luật xây dựng qua tổng đài: 0905.363.256

3. Về chứng chỉ hành nghề giám sát hoạt động xây dựng

Xét về năng lực giám sát thì phải có chứng chỉ hoạt động xây dựng và chứng chi hành nghề giám sát hoạt động xây dựng theo Điều 45, Điều 49 Nghị định 59/2015/NĐ-CP. Cụ thể:

Về việc cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng:

Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng khi đáp ứng các điều kiện sau:

– Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy phép cư trú tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

– Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề như sau:

Hạng I: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 7 (bảy) năm trở lên;

Hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 5 (năm) năm trở lên;

Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 3 (ba) năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 5 (năm) năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp.

– Đạt yêu cầu sát hạch về kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề.

Đối với việc hành nghề giám sát thi công thì cá nhân phải đáp ứng điều kiện:

– Hạng I: Đã trực tiếp giám sát thi công phần việc liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 1 (một) công trình cấp I hoặc 2 (hai) công trình cấp II cùng loại;

– Hạng II: Đã trực tiếp giám sát thi công hoặc chủ trì thiết kế, thi công phần việc liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 1 (một) công trình cấp II hoặc 2 (hai) công trình cấp III cùng loại;

– Hạng III: Đã trực tiếp tham gia giám sát thi công hoặc tham gia thiết kế, thẩm định thiết kế, thi công xây dựng ít nhất 1 (một) công trình cấp III hoặc 2 (hai) công trình cấp IV cùng loại.

Và chỉ các lĩnh vực sau mới được cấp chứng chỉ giám sát thi công xây dựng:

– Giám sát công tác xây dựng và hoàn thiện;

– Giám sát công tác lắp đặt thiết bị công trình;

– Giám sát công tác lắp đặt thiết bị công nghệ.

Gọi điện thoại
0905.363.256
Chat Zalo