Muốn công trình có chất lượng tốt nhất thiết phải có bộ phận tư vấn giám sát, nhưng đó không phải là tất cả. Bạn cần phải chọn được đơn vị tư vấn giám sát chuyên nghiệp, vì đó là cánh tay phải của bạn trong suốt quá trình xây dựng công trình.
Tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình là quá trình kiểm tra, giám sát thường xuyên – liên tục và có hệ thống trong suốt quá trình thi công nhằm đảm bảo chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Để đạt được mục tiêu đó, tư vấn giám sát phải thực hiện các công việc được liệt kê dưới đây.
Giai đoạn tiền thi công
Ở giai đoạn này, tư vấn giám sát sẽ thực hiện các công việc sau:
1. Nghiên cứu hợp đồng thi công đã ký giữa chủ đầu tư với nhà thầu thi công để nắm được phạm vi công việc của nhà thầu sắp triển khai.
2. Nghiên cứu hồ sơ thiết kế hạng mục công trình, gói thầu chuẩn bị triển khai, kịp thời báo cáo chủ đầu tư các mâu thuẫn, các bất hợp lý trong thiết kế (nếu có).
3. Yêu cầu nhà thầu đệ trình hồ sơ pháp lý để kiểm tra. Trong đó lưu ý các nội dung sau:
– Giấy đăng ký kinh doanh (bản công chứng) mới nhất.
– Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của doanh nghiệp (nếu cần thiết, với những gói thầu quan trọng).
– Danh sách ban chỉ huy công trường, kèm theo các bằng cấp chứng chỉ của các thành viên trong ban chỉ huy công trường: Đối chiếu với yêu cầu về số lượng và chất lượng theo hợp đồng đã cam kết.
– Danh sách thiết bị thi công: đảm bảo đủ số lượng và chất lượng như đã cam kết trong hợp đồng, báo giá, hồ sơ dự thầu,…
– Giấy kiểm định thiết bị thi công theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH.
– Chứng chỉ vận hành thiết bị của công nhân.
– Danh sách công nhân dự kiến sẽ làm việc công trường: Nằm trong độ tuổi lao động cho phép, có giấy khám sức khỏe và được huấn luyện an toàn lao động.
– Các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật tại từng thời điểm thi công, theo đặc trưng công việc của từng gói thầu,…
4. Yêu cầu nhà thầu lập biện pháp thi công tổng thể và chi tiết cho từng loại công việc của gói thầu. Trong đó lưu ý các nội dung sau:
– Tiêu chuẩn thi công – nghiệm thu.
– Bản vẽ bố trí tổng mặt bằng thi công.
– Bản vẽ và thuyết minh chi tiết quy trình thi công, nghiệm thu của từng công việc cụ thể.
– Bản vẽ và thuyết minh chi tiết biện pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
5. Yêu cầu nhà thầu đệ trình tiến độ thi công chi tiết của từng hạng mục, cả gói thầu. Trong đó lưu ý những nội dung sau:
– Nên lập tiến độ bằng phần mềm chuyên dụng (như MS Project) để tiện theo dõi, kiểm tra, thể hiện mối liên hệ về tiến độ giữa các công việc, hạng mục với nhau.
– Mỗi công việc phải thể hiện ngày bắt đầu, ngày kết thúc, số ngày thi công.
– Phải thể hiện tổng thời gian thi công của từng hạng mục và tổng thời gian thi công của gói thầu.
– Phải thể hiện biểu đồ nhân lực, trong đó thể hiện chi tiết số nhân lực từng ngày trên công trường.
6. Yêu cầu nhà thầu đệ trình Phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng để thử nghiệm cấu kiện, vật liệu,… tại phòng hoặc hiện trường trong quá trình thi công gói thầu. Cần lưu ý một số nội dung sau:
– Phòng thí nghiệm phải có “Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng” do Bộ Xây dựng cấp.
– Kiểm tra trực tiếp phòng thí nghiệm: có đủ thiết bị và nhân lực để thực hiện các phép thử của gói thầu.
– Thiết bị thí nghiệm: phải còn hoạt động tốt và trong thời gian kiểm định.
– Nhân lực thí nghiệm: phải có chứng chỉ thí nghiệm viên hoặc bằng đào tạo nghề thí nghiệm. Riêng Trưởng phòng thí nghiệm phải có bằng TNĐH chuyên ngành xây dựng và có chứng chỉ quản lý phòng thí nghiệm.
– Khoảng cách từ Phòng thí nghiệm đến công trường: càng gần càng tốt.
7. Yêu cầu nhà thầu đệ trình mẫu vật tư dự kiến sử dụng tại cho dự án. Trong đó lưu ý những nội dung sau:
– Mỗi loại vật tư nên đệ trình 2-3 nhãn hiệu hoặc nhà cung cấp với đặc tính kỹ thuật tương đương. Đặc biệt lưu ý khả năng cung cấp (trực tiếp sản xuất, đại lý lớn, càng nhiều càng tốt); thời gian cung cấp (càng nhanh càng tốt); cự ly cung cấp hàng (càng gần càng tốt) của các nhà cung cấp, tránh tình trạng không đủ vật liệu trong quá trình thi công.
– Nguồn gốc xuất xứ của từng loại vật tư: Tất cả các loại vật tư phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp lệ, có CO/CQ đầy đủ.
– Yêu cầu nhà thầu lấy mẫu thí nghiệm. Chỉ những vật tư đạt chất lượng 100% trở lên mới được sử dụng.
– Tất cả các loại vật liệu đều phải lưu mẫu tại văn phòng tư vấn giám sát hoặc văn phòng chủ đầu tư tại công trường, khi cần có thể đối chứng.
8. Yêu cầu nhà thầu lập và đệ trình bản vẽ triển khai thi công chi tiết (bản vẽ shop drawing) cho từng hạng mục công việc. Trong đó lưu ý các nội dung sau:
– Điều chỉnh đường đi của các đường ống kỹ thuật đảm bảo tiêu chuẩn/quy chuẩn thiết kế, tối ưu khối lượng và chất lượng thi công.
– Phân đoạn, mạch ngừng thi công đảm bảo yêu cầu kỹ thuật: cần tránh ngừng thi công tại các vị trí có nội lực lớn, các vị trí khó đảm bảo chất lượng thi công tiếp theo, các vị trí nguy hiểm cho người và thiết bị khác thi công trên công trường …
– Xử lý các vị trí giao cắt đường ống kỹ thuật giữa các hệ thống khác nhau: tránh giao cắt đồng mức, ưu tiên các đường ống tự chảy theo độ dốc,…
– Xử lý các vị trí hộp kỹ thuật, nắp ga, nắp thăm,… đảm bảo thẩm mỹ công trình.
Giai đoạn triển khai thi công
1. Kiểm tra, giám sát hệ thống trắc đạc cho công trình của các nhà thầu như: tọa độ, cao độ, lưới khống chế, hệ thống quan trắc, …
2. Hàng ngày, tư vấn giám sát sẽ thực hiện các công việc sau:
– Giám sát từng công đoạn thi công, nhắc nhở nhà thầu chỉnh sửa kịp thời, hạn chế tối đa tình trạng phá đi làm lại trong quá trình thi công.
– Kiểm tra, giám sát công việc thi công của các nhà thầu theo đúng theo hồ sơ thiết kế đã được chủ đầu tư phê duyệt. Đặc biệt lưu ý với các công việc sau:
+ Công việc có yêu cầu bắt buộc về tỉ lệ trộn vật liệu;
+ Các công việc có yêu cầu khắt khe về trình tự thi công;
+ Các công việc ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến chất lượng công trình;
+ Các công việc bị che lấp sau khi thi công;
+ Các công việc ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng con người;
+ Các công việc khó khắc phục nếu bị xảy ra sự cố;
+ Các công việc quan trọng khác…
– Giám sát lấy mẫu và giám sát các thí nghiệm vật liệu theo quy định. Đặc biệt lưu ý một số thí nghiệm quan trọng sau:
+ Thí nghiệm kiểm tra độ chặt đầm nền;
+ Thí nghiệm nén kiểm tra cường độ chịu nén của mẫu vữa, bê tông (kiểm tra mác bê tông) tại các thời điểm R7 và R28;
+ Thí nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu cơ lý của bê tông nhựa;
+ Thí nghiệm kiểm tra cường độ chịu kéo và uốn của thép, bu lông, mối hàn, cáp dự ứng lực,…;
+ Thí nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu cơ lý của gạch xây, gạch ốp lát;
+ Thí nghiệm thử kín đường ống thoát nước, ống thông gió, …;
+ Thử áp đường ống cấp nước, cứu hỏa, ống gas điều hòa,…;
+ Thí nghiệm kiểm tra chất lượng cọc bê tông, ống cống bê tông đúc sẵn;…
– Kiểm tra số lượng công nhân, số lượng máy móc thiết bị thi công của nhà thầu trên công trường. Trong trường hợp nhà thầu không đảm bảo so với biện pháp thi công, tiến độ thi công đã được phê duyệt tư vấn giám sát sẽ lập “Biên bản hiện trường” đồng thời yêu cầu nhà thầu có biện pháp điều chỉnh, thay đổi nhằm đạt được tiến độ đã được phê duyệt.
– Nghiệm thu công việc hoàn thành của nhà thầu.
– Theo dõi tình hình thời tiết tại công trường để kịp thời báo cáo chủ đầu tư trong trường hợp cần thiết.
– Kiểm tra và đôn đốc nhà thầu thi công đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
– Chụp ảnh tình hình thi công trên công trường, lập báo cáo hàng ngày gửi chủ đầu tư.
– Xem xét, báo cáo cho chủ đầu tư các nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thi công, phát sinh khối lượng.
Giai đoạn kết thúc giai đoạn thi công, hạng mục công trình
1. Đôn đốc nhà thầu tập hợp hồ sơ nghiệm thu, bản vẽ hoàn công.
2. Kiểm tra, xác nhận khối lượng công việc hoàn thành của các nhà thầu.
Điểm nổi bật của tư vấn xây dựng B.K.L
Quý vị có thể thấy chúng tôi thường hợp tác với mỗi chủ đầu tư hơn 1 dự án và rất nhiều khách hàng mới của Công ty Tnhh Tư Vấn Xây Dựng B.K.L có được từ sự giới thiệu từ các khách hàng cũ.
Công ty Tnhh Tư Vấn Xây Dựng B.K.L luôn tự hào rằng tất cả các công trình chúng tôi đã giám sát được chủ đầu tư hài lòng về chất lượng và phương pháp làm việc.
– Luôn luôn bám sát hiện trường thi công.
– Luôn tìm tòi, tư vấn cho Chủ đầu tư điều chỉnh các hạng mục công trình để phù hợp với nhu cầu sử dụng và tối ưu tài chính.
– Chuyên môn hóa công tác giám sát để nâng cao chất lượng (VD: Hệ thống điều hòa không khí và thông gió sẽ được giám sát bởi Kỹ sư chuyên ngành nhiệt lạnh,…).
– Ghi nhận và thông báo liên tục tới các nhà thầu các sai sót trong quá trình thi công.